Rủi ro pháp lý trong quản lý công ty gia đình
Vụ việc liên quan đến ông T.Q.T, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tân Tân và một số thành viên khác trong gia đình ông T không thi hành bản án mặc dù có điều kiện để thi hành án đã dấy lên những vấn đề nghiêm trọng về quản lý và tuân thủ pháp luật trong các công ty gia đình – loại hình công ty trong đó các thành viên trong gia đình nắm phần lớn vốn điều lệ, tài sản và quyền quản trị, điều hành công ty.
Theo đó, Ông T và các thành viên trong gia đình, bao gồm vợ ông, bà C.N.P, và em trai ông, ông T.Q.T, bị cáo buộc không thi hành bản án mặc dù có điều kiện để thi hành án. Ngày 25/02/2025, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Dĩ An đã chuyển hồ sơ vụ án của ông T.Q.T và bà C.N.P sang Tòa án cùng cấp để xét xử về hành vi không chấp hành bản án. Đặc biệt, ông T còn bị truy tố thêm về hành vi trốn thuế.
Theo cáo trạng, sau khi có bản án buộc phải triệu tập Đại hội cổ đông bất thường và cung cấp các báo cáo tài chính cho bà N.T.T (một cổ đông lớn của Công ty Tân Tân, người đã nhận chuyển nhượng 45,83% cổ phần của Công ty Tân Tân từ ông T), ông T và các thành viên trong gia đình, bao gồm vợ ông, bà C.N.P, và em trai ông, ông T.Q.T đã không thi hành bản, bất chấp việc có điều kiện thi hành bản án và đã có quyết định cưỡng chế thi hành án.

Điều này làm đặt ra một câu hỏi lớn về những rủi ro pháp lý trong cách thức quản lý của công ty gia đình, nơi các quyết định chủ yếu dựa vào những cá nhân lãnh đạo trong gia đình mà thiếu đi sự minh bạch.
Rủi ro pháp lý trong quản lý công ty gia đình không chỉ nằm ở việc thiếu sự phân chia trách nhiệm rõ ràng mà còn liên quan đến việc giữa các thành viên có sự “cả nể” với nhau, do đó, khi một thành viên có hành vi vi phạm pháp luật thì dưới góc độ là người nhà, các thành viên trong công ty gia đình thường có xu hướng bao che cho nhau.
Ngoài ra, còn có trường hợp vì tin tưởng là người nhà nên trao hết quyền hạn vào tay một người, cho đến khi người nhà của mình rơi vào vòng lao lý cũng là lúc các thành viên khác trong gia đình đối mặt với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bài học rút ra từ vụ Tân Tân
Vụ Tân Tân là một bài học đắt giá cho các công ty gia đình trong việc tuân thủ pháp luật và quản lý doanh nghiệp một cách bài bản. Các rủi ro pháp lý do quản lý không đúng cách có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, từ việc mất uy tín đến các hậu quả tài chính và nghiêm trọng hơn là đối mặt với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân chia quyền lực rõ ràng và có sự giám sát hiệu quả trong các công ty gia đình, đồng thời cần phải tham vấn với những người có chuyên môn về pháp lý để đảm bảo rằng các quyết định quản lý trong công ty gia đình là không vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan.
Bên cạnh đó, vụ án này cũng là lời nhắc nhở đối với các nhà đầu tư về tầm quan trọng của việc kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trước khi tham gia góp vốn hoặc đầu tư.