Luật sư Phạm Hoài Nam nhận định làm thiện nguyện là điều tốt nhưng người kêu gọi cũng cần tạo niềm tin cho cộng đồng, người dân, chính quyền bằng sự minh bạch về các khoản thu và chi thông qua một số điểm chú ý sau:
Dòng tiền đi phải ứng với số nhận được
Sao kê là bắt buộc nhưng chưa thể chứng minh được sự minh bạch. Sao kê chỉ là một phần trong chuỗi hành vi minh bạch của hoạt động từ thiện. Sao kê là cung cấp số liệu cho người dân, cơ quan Nhà nước về số tiền người kêu gọi từ thiện đã nhận được. Vấn đề quan trọng không kém trong minh bạch là phân phối số tiền. Dòng tiền đi ra phải tương ứng với số tiền nhận được. Minh bạch còn là số tiền được sử dụng đúng mục đích, đối tượng trong thời gian nhất định.
Đánh giá về cách phân phối tiền từ thiện cũng như việc minh bạch của một số nghệ sĩ Việt, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng hầu hết mang tính cảm xúc, cá nhân. Giải ngân bằng tiền mặt cũng tốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, làm sao để đúng đối tượng và có thể đối soát, kiểm tra chéo được. Bạn thông báo phát 500 triệu đồng cho dân nhưng cơ sở nào để chứng minh khi bạn cầm tiền và tự phát. Càng không thể chứng minh bằng cách livestream trên Facebook hoặc các video đăng tải trên mạng xã hội. Đấy là cách làm hời hợt, chưa đúng pháp luật.
Đồng thời Luật sư Nam đánh giá cách làm từ thiện của cá nhân còn mang tính cảm xúc do hành lang pháp lý, quy định hoạt động từ thiện chưa cụ thể, rõ ràng. Theo đó, Nghị định 64/2008/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động từ thiện chỉ đề cập đến tổ chức. Nghị định có nhắc đến từ thiện của cá nhân nhưng còn bỏ ngỏ về cách thức tổ chức, hoạt động. Tuy nghị định chưa đề cập nhưng hoạt động từ thiện của cá nhân theo luật sư có thể áp dụng bộ Luật Dân sự 2015. Ở đây, việc người dân đóng góp tiền cho một cá nhân nào đó làm từ thiện nghĩa là họ đã ủy quyền, giao cho cá nhân đó thực hiện công việc của mình. Trách nhiệm của cá nhân làm từ thiện phải đúng và minh bạch.
Mở tài khoản mới và chỉ sử dụng cho một chương trình từ thiện
Luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng các cá nhân kêu gọi đóng góp tiền từ thiện nên tách bạch giữa tài khoản từ thiện và tài khoản cá nhân. Khi dùng số tài khoản cá nhân nhận tiền từ thiện sẽ khó chứng minh được các khoản thu và chi cũng như kiểm toán sau này. Đồng thời khi cá nhân kêu gọi từ thiện có dấu hiệu vi phạm, gây bất ổn xã hội cần có hành lang pháp lý phù hợp điều chỉnh và kiến nghị nên dự thảo thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP, quy định thêm về việc chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật cũng có thể chủ động vào cuộc điều tra, kiểm tra dòng tiền nhận vào và phân phối khi cá nhân hoạt động từ thiện gây ồn ào, gây mất niềm tin với công chúng.