Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh siêu sao bóng đá Messi trong một MV ca nhạc, tuy chỉ xuất hiện 10 giây nhưng thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Sự tập trung của cư dân mạng dành cho MV ca nhạc này, lại chỉ xoay quanh việc Messi xuất hiện mà không phải là phần âm nhạc. Sức hút lớn về tên tuổi của siêu sao bóng đá Messi đã giúp MV ca nhạc lọt Top 10 xu hướng thịnh hành trên Google tìm kiếm vào ngày 31/8. Bên cạnh những lời khen có sự sáng tạo của MV ca nhạc, thì một phần dư luận cũng lo ngại về việc sử dụng hình ảnh của ngôi sao bóng đá Messi nếu không được đồng ý thì sẽ xử lý như thế nào?. Vậy việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép có hợp pháp hay không, nếu không thì hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào? Sau đây hãy cùng BNSG Law tìm hiểu nhé.
Quyền cá nhân đối với hình ảnh.
Cá nhân được hiến pháp quy định có các quyền nhân thân, quyền tài sản, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền con người. Do đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Căn cứ theo quy định trên thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, những người sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có các tường hợp sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ như: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Hình thức xử phạt đối với hành vi sử dụng hình ảnh người khác mà không xin phép
Hành vi sử dụng hình ảnh người khác mà không xin phép tùy tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính.
Căn cứ theo Điều 99, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, xử phạt đối với hành vi đăng tải hình ảnh của người khác khi không được cho phép nếu không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt hành chính trong khoảng từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng, trường hợp không có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì mức xử phạt là mức trung bình của khung hình phạt là 15.000.000 đồng. Ngoài ra người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tang vật ở đây có thể là các trang thiết bị điện tử sử dụng để đăng tải các hình ảnh và thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho danh sự, nhân phẩm của người khác. Đồng thời người thực hiện hành vi vi phạm buộc phải gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật đã đăng tải.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc sử dụng hình ảnh người khác mà không xin phép gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015. Căn cứ theo quy định trên, sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp hành vi phạm tội có các tình tiết tăng nặng như: phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%….thì sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Qua bài viết trên là lời cảnh báo cho những cá nhân/tổ chức khi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải được sự đồng ý. Trong trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh hoặc các bên có thỏa thuận khác. Nếu không thực hiện, vi phạm tùy tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ Luật sự tại BNSG LAW. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết nếu có câu hỏi, thắc mắc cần được giải đáp xin hãy liên hệ theo số hotline: 0983.305.306 hoặc email: info@bnsglaw.com để được tư vấn miễn phí. Đội ngũ Luật sư của BNSG LAW sẽ liên hệ lại với bạn và cung cấp thêm thông tin chi tiết trong thời gian sớm nhất, chính xác nhất.