Các trái chủ Vạn Trường Phát liệu có cách nào đòi lại quyền lợi của mình? Những khe hở pháp lý nào trong phát hành, tư vấn, môi giới và kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp chưa đại chúng? Chúng tôi đã đặt các vấn đề trên “lên bàn” nhiều luật sư để cùng tìm lời giải.
Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã “xẻo” một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát của mình ở Long An để thế chấp làm tài sản đảm bảo cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát tại TP.HCM phát hành 5 đợt trái phiếu thu về 10.000 tỷ đồng. Tới giờ này, các trái chủ lâm bi kịch, kêu cứu khắp nơi, bởi lãi không thấy đâu, doanh nghiệp phát hành cũng “bặt hơi”, trong khi tài sản đảm bảo có vấn đề.
Trái chủ không dễ mất trắng
Theo Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen,
Không như trái phiếu “3 không” là không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, trái phiếu của Vạn Trường Phát được bảo đảm bằng tài sản của Tân Thành Long An. Theo quy định tại khoản 3, Điều 24, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, trường hợp Vạn Trường Phát không trả gốc, lãi trái phiếu, Ngân hàng SCB có trách nhiệm phối hợp với Công ty TVSI để xử lý tài sản bảo đảm theo các hợp đồng liên quan như hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là, các trái chủ nên chờ đợi kết luận điều tra từ cơ quan có thẩm quyền hay tiến hành khởi kiện để đòi lại tiền? Việc này cần phân tích dưới 2 góc độ: quan hệ pháp luật hình sự và quan hệ pháp luật dân sự.
Cụ thể, trường hợp Vạn Trường Phát được xác định là có sai phạm, có gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt tài sản, thì đây là quan hệ pháp luật hình sự, hồ sơ sau điều tra sẽ được chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử. Như vậy, các trái chủ phải chờ đợi kết luận điều tra từ công an và sau đó là phán quyết của tòa án.
Nhưng hiện chưa có kết luận về việc vi phạm pháp luật hình sự. Các trái chủ Vạn Trường Phát vẫn chưa được xác định là người bị hại trong vụ án. Cơ quan công an cũng chưa có thông tin nào yêu cầu các trái chủ cung cấp thông tin phục vụ hoạt động điều tra.
Theo thông tin thì nhiều trái chủ chỉ có mục đích gửi tiết kiệm tại SCB, nhưng vì tin tưởng SCB, nên đã ký kết các hợp đồng mua trái phiếu với TVSI. Do vậy, các trái chủ có thể tiến hành khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu và yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền đã mua trái phiếu với lý do bị lừa dối, nhầm lẫn theo quy định tại Điều 126, Điều 127, Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp này, SCB có trách nhiệm liên đới. Trường hợp được tòa án tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện, trái chủ sẽ được hoàn trả tiền theo quy định của hợp đồng vô hiệu. Trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu không thanh toán thì trái chủ có thể yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm. Khi đó, mặc dù công an đang điều tra và vụ án hình sự sẽ được xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật, thì bản án dân sự của các trái chủ nêu trên cũng đã có hiệu lực trước, đảm bảo được việc thi hành án nhằm lấy lại tài sản.
Cần làm rõ trách nhiệm bên liên quan
Theo Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự,
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng hiện nay thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ không phải đăng ký, báo cáo hay phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước và phụ thuộc lớn vào sự chủ động, tính tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường: doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và nhà đầu tư… Chỉ có một điểm duy nhất kiểm soát hạn chế rủi ro là yêu cầu “nhà đầu tư chuyên nghiệp” theo Điều 11, Luật Chứng khoán 2019.
Nhưng ở vụ Vạn Trường Phát, cần xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan, bởi lẽ, thông thường, nhà đầu tư bỏ tiền vào dựa trên sự tin tưởng đối với các tổ chức này về chuyên môn và chức năng để kiểm soát theo yêu cầu của pháp luật. Trách nhiệm của các đơn vị này được quy định rõ tại Điều 14, Nghị định 153/2020/NĐ-CP: đơn vị bảo lãnh, đại lý phát hành và doanh nghiệp phát hành “chỉ bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu”; đơn vị tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu phải rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình.
Bên cạnh đó, thực tế vụ Vạn Trường Phát cho thấy, rủi ro quá lớn và đến lúc cần có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường.
Xem thêm: Góc nhìn từ việc ông Trần Quí Thanh và 02 con bị khởi tố
So sánh giữa xử lý dân sự và hình sự
Việc lựa chọn phương án khởi kiện dân sự có thể thực hiện bằng việc yêu cầu hủy hợp đồng mua bán trái phiếu do chậm thực hiện nghĩa vụ giữa trái chủ và các tổ chức có liên quan, căn cứ Điều 424; hoặc yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu hợp đồng bị hủy thì phải trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Nếu vô hiệu thì bên nào có lỗi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An, SCB, TVSI phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận khi giao kết thực hiện phát hành, chào, mua bán đối với trái phiếu Vạn Thịnh Phát.
Nhưng phương án này vẫn tồn tại bất lợi cho trái chủ, như quy trình tố tụng kéo dài, tốn thời gian và chi phí cho hoạt động tố tụng; có thể trải qua nhiều giai đoạn giải quyết vụ việc từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; trái chủ phải chịu mất phần lãi theo hợp đồng mua trái phiếu khi hợp đồng bị vô hiệu và nhận lại phần vốn gốc đã đầu tư; thủ tục thi hành án kéo dài, phức tạp.
Nếu chọn theo phương án hình sự, các trái chủ sẽ không tốn tiền án phí vì là bị hại trong vụ án. Nhưng quá trình từ khi cơ quan công an điều tra thụ lý yêu cầu và ra quyết định khởi tố vụ án cho đến khi đủ cơ sở, chứng cứ, dấu hiệu phạm tội để chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát truy tố và tòa án xét xử là một quá trình kéo dài từ 2 đến 5 năm, bởi vụ việc trên có nhiều bị hại, tình tiết rất phức tạp.
Trái chủ lựa chọn theo hướng nào cũng đều có điểm thuận lợi và hạn chế nhất định và cần căn cứ vào các tài liệu, văn bản đã ký kết với bên liên quan làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định.
Việc ngân hàng môi giới trái phiếu khá nguy hiểm
Ngân hàng được thực hiện thêm hoạt động môi giới trái phiếu nếu đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán.
Việc mua trái phiếu thông qua tổ chức phát hành hay ngân hàng làm môi giới, thì mức độ rủi ro như nhau.
Nhưng ngân hàng chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp, thì vô tình tạo niềm tin cho người dân/nhà đầu tư, vì họ lầm tưởng, đây cũng là hình thức đầu tư vào ngân hàng hoặc các trái phiếu này đã được ngân hàng kiểm định, bảo lãnh. Tâm lý này tạo nên sự an tâm và quyết định mua trái phiếu mà không tìm hiểu thêm.
Trong khi đó, nhân viên tư vấn của ngân hàng có thể cung cấp thông tin không đầy đủ, gây nhầm lẫn cho khách hàng nhằm bán được trái phiếu để hưởng phí dịch vụ. Có ngân hàng lợi dụng việc thực hiện môi giới trái phiếu để đảo nợ của doanh nghiệp từ phía ngân hàng sang nhà đầu tư.
Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể để thắt chặt hoạt động môi giới trái phiếu của ngân hàng hay xây dựng cơ chế tách bạch giữa hoạt động ngân hàng và hoạt động môi giới trái phiếu.
Bịt khe hở trái phiếu doanh nghiệp?
Hiện có quy định pháp luật liên quan về việc siết chặt quy trình phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng chưa hoàn thiện, như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức liên quan (tư vấn, bảo lãnh, đại lý phát hành, tổ chức nhận tài sản đảm bảo). Chính điều này đã gây ra những hệ lụy từ các vụ việc trong thời gian qua và dẫn đến khó xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc có vi phạm. Mặt khác, các cá nhân có liên quan có thể lợi dụng sơ hở này để lách luật nhằm trục lợi.
Mặc dù Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) có nhiều điểm mới, nhưng vẫn chưa hoàn thiện về quy định xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Các quy định này hiện nay lại bị ngưng hiệu lực bởi Nghị định 08/2023/NĐ-CP, do đó, cơ quan nhà nước không thể đánh giá và hoàn thiện các quy định này.
Như vậy, cần sớm ổn định thị trường trái phiếu và đưa quy định xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có hiệu lực trở lại. Đồng thời, siết chặt quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, góp phần minh bạch hóa thị trường trái phiếu.
Nguồn: Báo Đầu tư