Ảnh chụp màn hình tin nhắn có được xem là chứng cứ hợp pháp trong 1 vụ án Dân sự, Hình sự?

1. Chứng cứ là gì?

Chứng cứ (hay bằng chứng) là những gì tồn tại một cách khách quan, có thể được biểu hiện thông qua các hình thức như hiện tượng, sự kiện hay dưới dạng tệp tài liệu… được các tổ chức, cá nhân thu thập, ghi nhận lại để phục vụ cho việc chứng minh hoặc bảo vệ cho một vấn đề cụ thể nào đó.

  • Căn cứ điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về chứng cứ: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
  • Căn cứ điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về chứng cứ: “Chứng cứ được xác định là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”

Tuy nhiên, những hiện tượng, sự kiện hay tài liệu thu thập được muốn được coi là chứng cứ thì đồng thời phải hội tụ đầy đủ 03 thuộc tính sau đây:

Thứ nhất, tính khách quan: Những sự kiện, hiện tượng, tài liệu đó phải có thật trên thực tế, phản ánh một cách trung thực những tình tiết đã xảy ra trong vụ án, không bị chỉnh sửa, thay đổi, thêm bớt theo ý chí của các bên trong quan hệ;

Thứ hai, tính liên quan: Những gì thu thập được phải có mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp tới các tình tiết trong vụ án và phải có ý nghĩa trong việc chứng minh một vấn đề nào đó có liên quan trong vụ việc;

Thứ ba, tính hợp pháp: Điều này có nghĩa là những hiện tượng, sự kiện, tài liệu phải được cung cấp, thu thập, bảo quản theo đúng trình tự của pháp luật Tố tụng và các văn bản khác có liên quan, đảm bảo giữ nguyên giá trị trong suốt quá trình chứng minh của chứng cứ.

2. Ảnh chụp màn hình tin nhắn có được xem là chứng cứ trong các vụ án Dân sự, Hình sự:

Căn cứ Điều 10 của Luật Giao dịch điện tử 2005 thì ảnh chụp màn hình được xem là một dạng dữ liệu điện tử

“Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.”

Theo quy định của pháp luật thì dữ liệu điện tử là trong số các nguồn của chứng cứ:

Căn cứ Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự:

“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

…”

Căn cứ Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

“c) Dữ liệu điện tử;

…”

Bên cạnh đó, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì dữ liệu điện tử được xác định là:

“2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

Do đó, ảnh chụp màn hình có thể được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự, hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung tin nhắn trong ảnh chụp màn hình có thể bị thu hồi, xóa hoặc làm giả, do đó, việc chỉ chụp màn hình các đoạn tin nhắn sẽ không đảm bảo được tính khách quan để làm chứng cứ trong các vụ án dân sự, hình sự. Chính vì thế, để ảnh chụp màn hình được xem là nguồn chứng cứ hợp pháp cần phải lập vi bằng những hình ảnh tin nhắn này để ghi nhận các sự kiện, hành vi … đó có thật, đã xảy ra trên thực tế thì những chứng cứ này mới khách quan, có giá trị pháp lý.

Như vậy, ảnh chụp màn hình tin nhắn sẽ được xem là chứng cứ hợp pháp trong một vụ án dân sự, hình sự nếu mang trong mình đầy đủ 03 thuộc tính của chứng cứ: tính khách quan, tính liên quan, và tính hợp pháp. Đồng thời, việc thu thập chứng cứ là ảnh chụp màn hình tin nhắn được thực hiện theo đúng thủ tục luật định thì sẽ được coi là chứng cứ hợp pháp.

3. Cơ sở pháp lý

  • Điều 10 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005;
  • Điều 87, điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
  • Điều 88, điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

We are here to help you. Give us a call