Vừa qua Luật sư Phạm Hoài Nam – Giám đốc điều hành BNSG Law đã có những phân tích, đánh giá pháp lý về ý kiến “Việt Nam có thể áp dụng thuế chống bán phá giá đối với xe điện nhập khẩu” với Báo Thanh niên. Sau đây, BNSG Law sẽ điểm lại những nội dung chính của Bản tin này với các nội dung sau:
1. Mục đích và cơ chế của việc áp thuế chống bán phá giá lên xe điện nhập diễn ra như thế nào?
Trước khi làm rõ cơ chế và mục đích của việc áp thuế chống bán phá giá, chúng ta cần tìm hiểu về bán phá giá trong thương mại quốc tế. Từ quy định tại Điều 6 Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994) có thể hiểu Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn giá bán của hàng hoá đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc tại một thị trường xuất khẩu thứ ba khác. Mục tiêu cao nhất của việc áp thuế chống bán phá giá là nhằm hạn chế và loại bỏ những thiệt hại do hành vi bán phá giá của hàng hóa nước ngoài, giữ vững thế cân bằng trong cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa.
Các quốc gia thành viên WTO chỉ có thể quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá của quốc gia khác cùng là thành viên WTO xuất khẩu vào thị trường của nước mình nếu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, sau khi đã tiến hành điều tra chống bán phá giá, ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả 03 điều kiện sau:
- Hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá (với biên độ phá giá không thấp hơn 2%);
- Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe doạ thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên;
Đồng thời, để áp dụng thuế chống bán phá giá, quốc gia nhập khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục của một vụ kiện chống bán phá giá được quy định tại Điều 6 Hiệp định GATT 1994 được hướng dẫn cụ thể tại Hiệp định số 261/WTO/VB về Chống bán phá giá, với các quy trình cơ bản bao gồm: Khởi xướng điều tra – Điều tra thu thập dữ liệu – Điều trần – Kết luận – Áp dụng biện pháp chống bán phá giá (nếu có).
Như vậy, việc áp dụng thuế chống bán phá giá lên xe điện nhập từ Trung Quốc, hay rộng hơn là các quốc gia khác là nhằm để bảo vệ, giữ ổn định và tạo điều kiện phát triển cho ngành sản xuất trong nước, tạo vị thế cạnh tranh cân bằng đối với hàng nhập khẩu trong thương mại quốc tế. Mặt khác, Hiệp định GATT 1994 cũng quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành vụ kiện chống bán phá giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất của quốc gia xuất khẩu, tránh việc áp dụng thuế chống bán phá giá một cách tuỳ nghi từ quốc gia khác.
2. Áp thuế chống bán phá giá có phải là giải pháp khắc phục những thách thức mà ngành công nghiệp xe điện trong nước đang phải đối mặt?
Việc áp thuế chống bán phá giá đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc hay các quốc gia khác tại Việt Nam cần phải được nghiên cứu và đánh giá toàn diện, đảm bảo vừa bảo vệ ngành sản xuất xe điện trong nước vừa phải hài hoà lợi ích, tuân thủ những cam kết mà Việt Nam là thành viên của WTO, hay các hiệp định thương mại song phương (điển hình như Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc) và trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước như Luật quản lý ngoại thương, Luật thuế xuất nhập khẩu. Đồng thời, việc áp thuế chống bán phá giá đòi hỏi quốc gia dự định áp thuế phải đánh giá tác động từ việc áp thuế đến những lợi ích kinh tế, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa ngành sản xuất nội địa và ngành sản xuất nước ngoài.
Do đó, để giải quyết, khắc phục những thách thức có nhiều phương án khác nhau, chỉ nên áp thuế chống bán phá giá nếu trên thực tế có việc bán phá giá từ nhà sản xuất nước ngoài và phải thận trọng đánh giá toàn diện các hệ quả có thể xảy ra trước khi áp thuế chống bán phá giá trên thực tế.
3. Bên cạnh áp thuế, chúng ta cần có chính sách ưu đãi gì để phát triển công nghiệp xe điện trong nước?
Song song với việc doanh nghiệp phải từng bước tháo bỏ các vướng mắc đang phải đối mặt và chuẩn bị cho việc bắt đầu cuộc chơi đường dài trong ngành sản xuất xe điện trong nước, sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước thông qua những chính sách, quy định hợp lý cũng một phần thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Điển hình cho việc này có thể kể đến như Chính Phủ đã ban hành nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định ô tô điện được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu là 0% trong 3 năm, tính từ ngày 1/3/2022. Giai đoạn tiếp theo 1/3/2025-28/2/2027, lệ phí trước bạ của dòng xe này sẽ được tính bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Hay Quốc hội khóa 15 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022, trong đó quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin giảm mạnh từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027. Đây là những chính sách, quy định thiết thực tạo điều kiện, hỗ trợ cho ngành sản xuất xe điện trong thông qua việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh việc tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù đối với ngành sản xuất xe điện như ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tinh gọn các thủ tục hành chính, ưu đãi tín dụng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, có chính sách đào tạo hợp lý, khoa học và các vấn đề khác có liên quan nhằm tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong nước trong tương lai.
Xem thêm: Những điểm mới của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP
4. Việc áp thuế có ảnh hưởng đến người tiêu dùng? Làm sao để vừa khuyến khích sử dụng xe điện, duy trì tính cạnh tranh của thị trường, vừa đồng thời hỗ trợ thương hiệu trong nước phát triển?
Việc tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc các biện pháp rào cản thương mai khác sẽ dẫn đến 02 hệ quả và đều gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Về hệ quả trước mắt, việc áp thuế, đặc biệt tại các nước đang phát triển như ở Việt Nam, sẽ làm cho những người có thu nhập thấp bị ngăn chặn cơ hội tiếp cận với các hàng hóa với mức giá phải chăng hơn. Về hệ quả lâu dài, chính từ việc áp thuế sẽ dẫn đến nguy cơ các nhà sản xuất nước ngoài sẽ rút hàng hoá khỏi thị trường nước áp thuế, làm giảm và tiến đến loại trừ mặt hàng của họ trên thị trường, đồng thời giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng, giảm tính cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, dễ xảy ra nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền từ nhà sản xuất trong nước.
Để khuyến khích sử dụng xe điện, duy trì tính cạnh tranh của thị trường, vừa đồng thời hỗ trợ thương hiệu trong nước phát triển, thì các nhà sản xuất, kinh doanh xe điện cần chú trọng về việc kích cầu tiêu dùng với các chính sách giá cả hợp lý, tiệm cận đối với những người có thu nhập khá trở lên, hoặc sản xuất các dòng xe giá rẻ cho người thu nhập thấp, đầu tư xây dựng tiến đến phủ sóng hệ thống trạm sạc trên phạm vi toàn quốc, chú trọng về dịch vụ hậu mãi. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cần phải đặc biệt quan tâm và củng cố về chất lượng sản phẩm, có chính sách bảo hành phù hợp tạo lòng tin cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng xe điện. Các yếu tố này sẽ là phần quan trọng đóng góp không nhỏ vào việc nhận diện, thúc đẩy thương hiệu của các nhà sản xuất xe điện trong nước phát triển.
Chi tiết bản tin xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=trrylxLUiOE