Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai???
Theo thông tin báo đài đã phản ánh trước đó, vào tối ngày 20/4 tại một cửa hàng ở địa chỉ Thái Hà (Hà Nội) thuộc chuỗi cà phê lớn T.C.H đã xảy ra sự cố vỡ kính khiến một số khách hàng và nhân viên bị thương với các mức độ khác nhau, đặc biệt chị H.M.L bị thương rất nặng. Liên quan đến sự việc này, ngày 9/5/2024 T.C.H đã có thông báo chính thức và cho biết đang đề xuất phương án hỗ trợ đối với gia đình nạn nhân. Trước sự việc này, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân thuộc về chủ thể nào. Liên quan đến sự việc này, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Cần lưu ý rằng, sự việc chưa được kết luận bởi cơ quan chức năng, do đó mọi thông tin được đề cập dưới đây chỉ là giả thuyết nhằm giải đáp thắc mắc của bạn đọc và cập nhật quy định của pháp luật trong sự việc này, chúng tôi đưa ra những phân tích pháp lý nhằm cung cấp cho bạn đọc các góc nhìn pháp lý khác nhau, cụ thể:
- Trường hợp 1: Trước tiên cần phải làm rõ việc thiết kê, thi công xây dựng toà nhà nơi xảy ra tai nạn. Cụ thể, trong trường hợp này cần xác định việc thiết kế, thi công và lắp đặt tấm kính có hợp pháp hay không, có tuân thủ đúng Giấy phép xây dựng hay không hoặc việc sửa chữa, thay thế (nếu có) có đảm bảo đáp ứng các điều kiện được pháp luật xây dựng quy định hay không. Nếu kết quả xác minh thể hiện việc xây dựng, lắp đặt tấm kính này không đúng giấy phép hoặc không được cấp phép hoặc đơn vị thi công có lỗi dẫn đến việc lắp đặt không đúng dẫn đến tai nạn thì Chủ sở hữu, Ban quản lý Toà nhà, đơn vị thiết kế, thi công, đơn vị nghiệm thu có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong sự việc này.
- Trường hợp 2: Nếu cơ quan chức năng kết luận việc thiết kế, thi công, toà nhà, lắp đặt tấm kính hoàn toàn đúng giấy phép, đơn vị thiết kế, xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng và không có lỗi thì trường hợp này cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý của Ban quản lý Toà nhà và T.C.H. Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 584 và Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Ban quản lý Toà nhà và T.C.H phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân bởi thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra vì các chủ thể này chính là Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng toà nhà dù có lỗi hoặc không có lỗi, vì lỗi chỉ là căn cứ để xác định mức bồi thường. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, cụ thể nếu có căn cứ xác định người thi công trong trường hợp Ban quản lý toà nhà thuê để thực hiện việc bảo trì, sửa chữa, hoặc thay thế tấm kính có lỗi dẫn đến thiệt hại thì chủ thể này phải liên đới bồi thường cho nạn nhân. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình vận hành toà nhà, Ban quản lý đã vi phạm về nghĩa vụ bảo trì, sữa chữa dẫn đến thiệt hại cho T.C.H thì chủ thể này có quyền yêu cầu Ban quản lý Toà nhà phải bồi thường cho mình theo quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
- Trường hợp 3: Nếu sự việc thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng thì Ban quản lý toà nhà và T.C.H không phải bồi thường cho nạn nhân, tuy nhiên các chủ thể này đều phải có nghĩa vụ chứng minh sự kiện trận giông lốc kèm mưa đá vào ngày 20/4 làm vỡ kính tại tòa nhà (theo công bố của T.C.H) hoặc sự kiện khác (nếu có) phải đảm bảo đáp ứng đủ cả 03 điều kiện để được xem là sự kiện bất khả kháng: sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Xem thêm: Khởi kiện chồng cũ vì con không cùng huyết thống
Ngoài ra, nếu trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu của tội phạm liên quan đến vấn đề thiết kế thi công, xây dựng toà nhà thì Chủ sở hữu, đơn vị thiết kế, thi công và nghiệm thu còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017). Hoặc trong trường hợp, trong quá trình vận hành toà nhà phát sinh việc thay thế tấm kính và được Ban quản lý thuê đơn vị khác lắp đặt thi công và nếu vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng thì đơn vị này vẫn có thể đối mặt với các trách nhiệm pháp lý vừa nêu.
Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể trong sự kiện này chúng ta cần phải đợi kết luận từ Cơ quan chứng năng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn và không nên vội quy kết trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ chủ thể có liên quan nào trong trường hợp này.