Những điểm mới của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024

Vừa qua, ngày 16/5/2024 Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong vụ việc về HNGĐ và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, nhằm để kịp thời cập nhật quy định này để Quý bạn đọc, sau đây BNSG Law sẽ điểm qua những điểm nổi bật của Nghị quyết này như sau:

1. Về ly hôn:

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã có những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể hơn về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, về cơ chế giải quyết ly hôn của các trường hợp thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Theo đó, tại Điều 2 của Nghị quyết hướng dẫn thì người chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo khoản 3 Điều 51 Luật HNGĐ 2014. Qua đó, bổ sung thêm trường hợp vợ đang có thai nhưng phải đình chỉ thai nghén hay có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén, thì người chồng cũng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bên cạnh đó, quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì chồng của người mang thai hộ và chồng của người nhờ mang thai hộ đều không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp thuận tình ly hôn tại Điều 3 Nghị quyết, cần hướng dẫn cụ thể thêm thế nào là “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” khi vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn. Về cơ bản, theo tinh thần của Luật Hôn nhân và gia đình, việc hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi vợ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, quyền được yêu cầu ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn, ưu tiên quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ, nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc được tính công sức ngang với lao động có thu nhập khi phân chia tài sản, quyền của người mẹ trong việc thăm nom con sau khi ly hôn và một số quy định khác đều là những quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Tuy nhiên để tránh bỏ sót khi áp dụng vào thực tiễn xét xử, vẫn cần có sự liệt kê cụ thể các tiêu chí về “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” nhằm đảm bảo tốt lợi ích chính đáng của phụ nữ khi chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP
Hình ảnh minh hoạ

Đối với việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ tại Điều 10 Nghị quyết, nếu trước đây chỉ là ý kiến của TANDTC ban hành trong Công văn số 253/TANDTC-PC để nghiên cứu, tham khảo và được nhắc tới trong vướng mắc số 43 của Công văn số 5814/VKSTC-V14 thì nay quy định này đã được luật hóa để Tòa án có căn cứ pháp lý rõ ràng nhằm áp dụng chính xác vào thực tiễn xét xử. Qua đó, để giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ thì Tòa án sẽ liên hệ với người thân thích của bị đơn mà có căn cứ xác định bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài đó có liên hệ với người thân thích.

Nếu người thân thích của bị đơn không cung cấp địa chỉ của bị đơn hay không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ, và nếu Tòa án yêu cầu đến lần thứ hai mà vẫn không cung cấp địa chỉ của bị đơn, không thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ gửi cho người thân thích bản sao bản án, quyết định để họ chuyển cho bị đơn cũng như niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã để đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo.

2. Về phân chia di sản:

Nghị quyết đã giải thích và liệt kê vài trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo đó, việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật HNGĐ và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế dẫn đến vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất,… thì bên gặp khó khăn đó có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định.

3. Về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

Tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết đưa ra các tiêu chí cụ thể về “quyền lợi mọi mặt của con” làm căn cứ cho Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con đẻ đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số tiêu chí còn mang tính chung chung, khó xác định cụ thể như tiêu chí điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…” chưa làm rõ được các vấn đề liên quan đến khả năng của cha/mẹ. Vì vậy, cần phải cụ thể hoá việc đưa ra các tiêu chí về điều kiện, khả năng của cha, mẹ” (ví dụ: điều kiện về kinh tế; điều kiện về phẩm, đạo đức của cha, mẹ; điều kiện sức khoẻ của cha mẹ;…)

Thêm vào đó, tiêu chí đảm bảo sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con thì Nghị quyết lại chưa làm rõ thế nào là “sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con”. Điều này sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu, nhiều cách áp dụng ở từng địa phương khác nhau trong thực tiễn xét xử. Để đảm bảo áp dụng thống nhất tiêu chí này trên toàn bộ hệ thống Tòa án, cần phải có thêm văn bản giải thích cụ thể hơn, giúp cho các Tòa án có căn cứ pháp lý để quyết định cho ai trực tiếp nuôi dưỡng con cái.

Đồng thời, việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật HNGĐ phải đảm bảo các yêu cầu tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết. Theo đó, đối với con dưới 36 tháng tuổi, luật chỉ dành quyền ưu tiên nuôi con cho người mẹ, cha chỉ được quyền nuôi con khi được sự đồng ý của người mẹ hoặc chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con. Việc quy định mang tính liệt kê các trường hợp trên có thể giúp Tòa án dễ dàng trong việc xác định khi nào người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc quy định mang tính liệt kê có thể sẽ gây thiếu sót khi áp dụng vào trong thực tiễn xét xử.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP
Hình ảnh minh hoạ

Mặt khác, có những trường hợp có thể sẽ gây bất cập trong thực tiễn xét xử như “người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” mà Nghị quyết đưa ra chưa giải thích được thế nào là thời gian tối thiểu, và thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là bao nhiêu. Do đó, cần phải ban hành thêm văn bản để giải thích vấn đề thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con có xem xét đến tính chất công việc, thời gian làm việc và thời gian cha, mẹ có thể dành cho con khi trực tiếp nuôi dưỡng con.

Trong thực tiễn xét xử, có những trường hợp người cả người cha lẫn người mẹ đều không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi nên Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã bổ sung thêm nguyên tắc “tiệm cận với điều kiện” để Tòa án quyết định ai sẽ nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi. Tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết cho phép Tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi nếu như điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của người mẹ.

4. Về cấp dưỡng cho con khi cha mẹ không trực tiếp nuôi con

Tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã bổ sung thêm trường hợp không buộc cấp dưỡng cho con nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện. Tuy nhiên, trước khi Toà án đưa ra quyết định trên thì Tòa án phải giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.

Xem thêm bài viết: TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TRONG VỤ TẤM KÍNH RƠI TẠI MỘT CỬA HÀNG CAFE THUỘC CHUỖI T.C.H

5. Về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã giải thích, nêu một số ví dụ điển hình và các chế tài cụ thể trong việc hạn chế quyền đối với con chưa thành niên khi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý; có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Việc giải thích cũng như các chế tài cụ thể của từng trường hợp sẽ giúp cho Toà án có thể viện dẫn áp dụng một cách dễ dàng hơn.

6. Về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về HNGĐ:

Tại Điều 9 Nghị quyết, đối với vụ án về HNGĐ có tranh chấp về bất động sản mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của BLTTDS và nơi có bất động sản đang tranh chấp khác nhau thì thẩm quyền của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS, tức Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết; hoặc trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn thì Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết.

Đối với trường hợp cha mẹ là người Việt Nam định cư ở nước nước ngoài có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 469 BLTTDS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

We are here to help you. Give us a call