Gia đình được hiểu là tổ ấm, là nơi các thành viên có quan hệ máu mủ ruột rà gắn kết với nhau cùng nhau chia sẽ những nhu cầu về tình cảm lẫn vật chất từ các thành viên dành cho nhau, yêu thương, che chở và bảo vệ nhau trước những áp lực của cuộc sống. Tác giả Ch.Lash đã từng viết nhan đề cuốn sách “Gia đình trở thành thiên đường trong thế giới không tim”. Thế nhưng có phải tất cả mọi gia đình trên đất nước này hay trên thế giới này đều là “thiên đường trong tim” của mỗi người hay không?, trong khi vấn đề bạo lực gia đình đang ngày càng xảy ra phổ biến và lan rộng toàn cầu. Theo số liệu điều tra của Liên đoàn Phụ nữ toàn quốc thì bạo lực gia đình đang đe dọa cuộc sống của 30% trong tổng 270 triệu gia đình trên thế giới, có khoảng 66% các vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình trong đó hành vi đánh đập, ngược đãi chiếm 53,1%, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long có 1.319 ca nhập viện do bạo lực gia đình, trong đó khoảng 1.000 ca tự tử, và 30 trường hợp tử vong.
Hotline BNSG LAW: 0983 505 306
Như vậy, vấn đề cần đặt ra là: Bạo lực gia đình là gì? Hành vi như thế nào là được xem là bạo lực gia đình? Và quy định về xử phạt đối với cá nhân bạo lực gia đình như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp được những thắc mắc đó:
Bạo lực gia đình là gì?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022, có quy định như sau Bạo lực gia đình: là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Hành vi nào được xem là bạo lực gia đình?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định các hành vi như sau được xem là hành vi bạo lực gia đình:
+ Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
+ Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
+ Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
+ Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
+ Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
+ Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
+ Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
+ Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
+ Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; ưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Xem thêm: Bạo lực gia đình ngày càng đáng báo động
Người có hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào?
Căn cứ Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý như sau: tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau: Xử lý vi phạm hành chính; Xử lý kỷ luật; Bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Mức xử phạt hành chính người có hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 quy định mức xử phạt đối với hành vi bạo lực gia đình như sau:
+ Đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
+ Đối với hành vi xâm phạm đến sức khỏe của các thành viên bằng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác để gây thương tích cho thành viên gia đình; hoặc không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu thì mức phạt tiền từ 10.000.000- 20.000.000 đồng;
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân hoặc trường hợp bỏ mặc không chăm sóc thành viên là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai nuôi con nhỏ thì mức phạt hành chính được quy định là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Mức xử phạt truy cứu trách nhiệm hình sự:
Bạo lực gia đình bằng các hành vi hành hạ, đánh đập, ngược đãi, cố ý gây thương tích xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì tùy theo mức độ hậu quả nghiêm trọng mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” Điều 134 hoặc là tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu hành vi đánh đập nhằm tước bỏ tính mạng của người khác.
Như vậy, ta thấy những hành vi đôi khi xảy ra một cách thường nhật trong mỗi gia đình nhưng lại gây hậu quả khó lường, nghiêm trọng nên người có hành vi bạo lực không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là hồi chuông cho các cơ quan có thẩm quyền nói riêng và toàn xã hội nói chung có những biện pháp phòng ngừa bảo vệ sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Xem thêm: 4 tiếp viên hàng không bị xử lý như thế nào?