BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: VẤN NẠN NHỨT NHỐI CẦN GIẢI QUYẾT

Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện video ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh bao vây, dồn cô giáo vào góc lớp, kèm theo đó là những lời lẽ xúc phạm. Vụ việc là giọt nước tràn ly về vấn nạn bạo lực học đường đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng, chuẩn mực đạo đức, giới hạn trong mối quan hệ thầy trò đang thực sự đáng báo động.

Hình ảnh bạo lực học đường: nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp

Có thể thấy, hành vi bạo lực học đường không chỉ là hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội mà trong một số trường hợp hành vi bạo lực học đường còn là những hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về hành vi bạo lực học đường?

Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường định nghĩa: “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.”

Cùng với việc định nghĩa hành vi bạo lực học đường, pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định cụ thể để xử lý đối với hành vi này.

Theo Ls. Trần Thị Thu Hằng – Công ty Luật TNHH MTV Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nhà trường sẽ xem xét, cảnh cáo trước toàn trường, cho thôi học 1 tuần hoặc cho thôi học 1 năm đối với nhóm học sinh đã có hành vi bạo lực học đường.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021, trong trường hợp này, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Tuy nhiên, cần lưu ý, theo khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên thì khi bị phạt tiền, mức tiền phạt đối với người chưa thành niên không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Vì vậy, trong trường hợp này, học sinh có hành vi bạo lực có thể bị áp dụng biện pháp xử lý xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Xem thêm: PHÂN TÍCH PHÁP LÝ VỀ HÀNH VI NỢ ĐỌNG THUẾ – LUẬT SƯ TRẦN THỊ THU HẰNG

Qua đó có thể thấy, pháp luật đã có những quy định xử lý hành vi bạo lực học đường. Tuy nhiên, mỗi vụ việc xảy ra đều để lại sự hụt hẫng cho toàn xã hội khi giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức có dấu hiệu ngày càng đi xuống. Điều này đòi hỏi, trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn thì đội ngũ giáo viên cũng nên trang bị cho mình kỹ năng ứng phó đối với những tình huống bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu học sinh. Đồng thời, cũng cần có những buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh để có thể hạn chế được tình trạng bạo lực học đường nhằm xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Chi tiết phóng sự xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=YiWo0ie-2JQ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

We are here to help you. Give us a call