1. Sự việc C01 khởi tố ông Trần Quí Thanh cùng 02 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích
Trong hoạt động hợp tác kinh doanh, có không ít trường hợp bên nợ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính. Khi đó, các bên thường cho rằng đây hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bên nợ. Trên thực tế, đối với một số giao dịch liên quan đến tiền, tài sản thì ranh giới giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự rất mong manh.
Cụ thể, 10-4-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù giữa ông Trần Quí Thanh và bị hại đều xác lập hợp đồng và hành vi của ông Quí Thanh cũng được coi là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình, vậy thì tại sao trong Trường hợp này ông Trần Quí Thanh lại vi phạm pháp luật Hình sự chứ không phải vi phạm pháp luật dân sự.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những điểm khác biệt để phân biệt giữa tranh chấp dân sự thông thường với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2. Cấu thành tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?
Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản Điều 175 Bộ Luật hình sự.
Theo đó, người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đã nhận được tài sản của tổ chức, cá nhân thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp (có thể là vay mượn, thuê, hợp tác đầu tư..).
Sau đó, người này nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản nên đã gian dối hoặc bỏ trốn nhầm chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại, hoặc có nghĩa vụ trả lại tài sản theo quy định của pháp luật nhưng cố tình không trả lại tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 điều 175 BLHS thì giá trị tài sản chiếm đoạt bắt đầu từ 4.000.000 thì đã đủ để cấu thành tội phạm
Các yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
- Về mặt chủ thế của tội phạm: Chủ thể của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
- Mặt khách thể của tội phạm: Khách thể của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là xâm phạm quan hệ sở hữu.
- Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp, sau khi có được tài sản thì người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn nhưng không trả mặc dù có điều kiện;
Hoặc Người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối, không bỏ trốn nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không có khả năng trả tài sản.
Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải là chiếm đoạt được. Khác với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản bằng hành vi chiếm đoạt.
Có thể hiểu: Chiếm đoạt là hành vi cố ý (trực tiếp) làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực tế thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của mình và tạo ra cho người phạm tội khả năng thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trái pháp luật tài sản đó.
Sau khi đã nhận được tài sản của người khác từ hợp đồng hợp pháp, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản (ý thức chiếm đoạt tài sản) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Đây là tội cố ý trực tiếp, vì mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc.
Xem thêm: Vì Sao Phải Sợ Chí Phèo?
3. Phân biệt hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
Vậy đâu là lằn ranh “đỏ” giữa giao dịch dân sự với hành vi phạm tội liên hệ với vụ việc ông Trần Quí Thanh và 2 con bị khởi tố?
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và hành vi trốn tránh nghĩa vụ tài chính trong giao dịch dân sự đều có những biểu hiện sau:
Bên vi phạm có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hình thức hợp đồng vay, mượn, thuê, …; và
Bên có nghĩa vụ có dấu hiệu “bỏ trốn” trả nợ
Sau khi có được tài sản:
Bên nợ không trả nợ mặc dù có khả năng trả.
Sự khác nhau:
Như vậy, có thể thấy hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản và vi phạm nghĩa vụ tài chính ( trả nợ ) trong giao dịch dân sự đều khá tương đồng về yếu tố lỗi và việc xâm phạm đến quan hệ sở hữu nên chúng ta thường hiểu lầm rằng có thể tố giác bên vi phạm nghĩa vụ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, điểm khác nhau đầu tiên mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy để phân biệt đây là tranh chấp dân sự hay là tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chủ thể.
Đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chủ thể phạm tội chỉ có thể là cá nhân. Vì vậy, trường hợp bên nợ là cá nhân thì có thể cân nhắc tố giác tội phạm tại cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp bên vi phạm là doanh nghiệp, dù bên nợ cố tình che giấu địa chỉ hoạt động, các thông tin liên lạc hoặc cố tình không thanh toán dù có điều kiện thanh toán thì đây cũng không được coi là tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đối với trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ của giao dịch dân sự là pháp nhân, bên có quyền có thể tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với người trực tiếp ký kết hợp đồng (thường là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) hoặc người trực tiếp cầm, sử dụng tài sản của bên có quyền.
Thứ hai, cần hiểu rõ thế nào là “bỏ trốn”.
Bỏ trốn không chỉ dừng lại ở việc không biết nơi cư trú, làm việc của bên nợ, doanh nghiệp sẽ cho rằng bên nợ đã bỏ trốn. mà còn khi không thể gọi điện cho bên có nghĩa vụ; gửi văn bản, email, tin nhắn mà bên nợ không có phản hồi;
Như vậy, ở vụ việc của ông Trần Quí Thanh thì việc ông Trần Quí Thanh giữ nguyên nơi cư trú nhưng không phản hồi thông điệp của các nạn nhân về việc trả lại tài sản thì vẫn bị coi là bỏ trốn.
Thứ ba, Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải là chiếm đoạt được.
Đối với việc vi phạm nghĩa vụ ở giao dịch dân sự chỉ dừng lại ở việc một trong các bên thực hiện không đúng hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ ( tài chính đối với bên còn lại).
Còn hành vi khách quan của tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản là cá nhân đã chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, chuyển thành quyền sở hữu của bản thân, ngăn cản không cho nạn nhân lấy lại tài sản của mình thông qua các giao dịch ( hợp đồng) mà các bên đã ký kết trước đó.
Liên hệ với vụ việc của ông Trần Quí Thanh và các con bị khởi tố, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích đã có hành vi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với vốn góp trong các công ty Minh Thành, Công ty Nhơn Thành và các khu đất do các nạn nhân sang tên của mình nhằm chiếm đoạt các tài sản này của các nạn nhân.
Thứ tư, để hợp thức hóa chuyển tài sản của nạn nhân thành tài sản của mình. Như trong trường hợp của ông Trần Quí Thanh đã cùng nạn nhân giao kết một giao dịch giả cách.
Giao dịch giả cách theo thuật ngữ trong Bộ luật Dân sự năm 2015, ấy là những giao dịch dân sự được xác lập do giả tạo, nghĩa là khi các bên xác lập giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác. Khái niệm giao dịch ở đây, xét về số lượng, không hẳn chúng chỉ có một giao dịch hay một số giao dịch mà chúng ta cần hiểu là chúng có thể gồm nhiều các giao dịch khác nhau, đan xen lẫn nhau trong và quanh yếu tố bị giả tạo này.
Ví dụ giữa ông Trần Quí Thanh và các nạn nhân thực chất là giao dịch vay tiền ( theo như đơn thư, bằng chứng các bên cũng cấp). Nhưng kèm theo đó các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng QSDĐ đất, … để che dấu cho giao dịch vay tiền mà các bên đã ký kết.
Thông tin khác: Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch mua bán & sáp nhập
4. Kết luận
Với những hành vi nêu trên, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Với khung hình phạt này. Cha con ông Trần Quí Thanh có thể phải đối diện với mức án lên đến 20 năm tù giam.