Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua đã mở ra một số quy định tiến bộ về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể Dự thảo Luật Đất đai 2024 quy định từ Điều 95-101, Mục II, Chương VII quy định các trường hợp cụ thể khi Nhà nước:
“Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; thu hồi đất ở; thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân…”
Đồng thời Luật Đất đai 2024 quy định thêm các hình thức bồi thường về đất mới khi người dân bị thu hồi đất so với Luật Đất đai 2013. Điều này sẽ tạo nên những tác động đáng kể trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Luật Đất đai 2014 có hiệu lực.
1. Quy định bồi thường về đất theo Luật đất đai 2024:
So với quy định hiện hành tại Luật Đất đai 2013, có thể thấy hiện nay việc bồi thường về đất có thể được thực hiện bằng 1 trong 02 hình thức đó là: Giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; Hoặc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi (trong trường hợp không có đất để bồi thường).
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2025, ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đã mở rộng thêm 02 hình thức bồi thường về đất khác, cụ thể tại Điều 91 quy định nhiều phương án, nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như:
– Bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi;
– Bồi thường bằng nhà ở.
Để khắc phục hạn chế địa phương không thể bố trí diện tích đất cùng loại để bồi thường cho các hộ dân, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về việc đa dạng hoá hình thức bồi thường. Đất bị thu hồi có thể được bồi thường bằng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở, nhà ở. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, giảm ngân sách khi phải chi trả bằng tiền.
Qua đó, giúp các hộ gia đình cá nhân ổn định cuộc sống, đặc biệt với hộ gia đình có đất nông nghiệp khi bị thu hồi mà không có đất nông nghiệp khác để bồi thường thì có thể được bồi thường bằng đất phi nông nghiệp, đất dịch vụ để hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong chuyển đổi nghề nghiệp.
Hoặc trong trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này cho thấy vai trò lựa chọn hình thức nhận bồi thường về đất của người dân được Nhà nước quan tâm ngay từ giai đoạn lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, giúp người dân chủ động ổn định cuộc sống, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
2. Tác động từ việc mở rộng hình thức bồi thường về đất:
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi, cụ thể hoá nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” và đa dạng hoá các hình thức bồi thường giúp người dân chủ động lựa chọn hình thức bồi thường về đất hợp lý với hoàn cảnh của họ, phù hợp với quy hoạch, quỹ đất của địa phương sẽ giúp người dân chủ động ổn định cuộc sống, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và tránh những tranh chấp về khiếu kiện hành chính về công tác bồi thường.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá hình thức bồi thường về đất tại Luật Đất đai 2024 đáp ứng nhu cầu về quản lý hành chính, giám sát của các Cơ quan Nhà nước, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, tạo điều kiện và thúc đẩy công tác bồi thường diễn ra công khai, minh bạc và tiết kiệm thời gian chi phí cho nhà đầu tư, người dân có đất bị thu hồi cũng như ngân sách Nhà nước.