Sinh vật ngoại lai, tức là loài sinh vật được đưa vào môi trường nơi chúng không phải là đối tượng tự nhiên, đang tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đối với hệ sinh thái và con người trên khắp thế giới. Sinh vật ngoại lai thường du nhập vào Việt Nam qua 3 con đường: Tự nhiên, có chủ đích và không có chủ đích. Đây không phải là vấn đề mới nhưng qua câu chuyện các cá thể Chuột túi phát hiện ở tỉnh Cao Bằng vừa qua, chúng tôi muốn nhắc lại việc quản lý các loài sinh vật ngoại lai tại Việt Nam. Không thể phủ nhận các sinh vật ngoại lai cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học khi đã mang đến lợi ích kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, đối với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại nếu buông lỏng công tác quản lý thì tác hại sẽ khôn lường.
Hiện nay, khi kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái gây ảnh hưởng đến kinh tế của tất cả mọi người thì hành vi buôn bán trái phép sinh vật ngoại lai ngày càng phức tạp dẫn đến các hậu quả như ảnh hưởng môi trường, đa dạng sinh học, và nghiêm trọng là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Xem thêm bài viết: CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO, GIẢ DANH LỰC LƯỢNG PCCC ĐỂ BÁN TÀI LIỆU, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Hành vi buôn bán trái phép sinh vật ngoại lai sẽ bị xử phạt như thế nào?
Dù cá thể có thể hoặc không gây nguy hiểm hay tác động xấu gì với môi trường kinh tế nhưng nếu không chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì đều bị xử phạt.
Ls. Phạm Hoài Nam – Luật sư điều hành Công ty Luật MTV Bến Nghé – Sài Gòn – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng thông tin về những hành vi liên quan đến việc buôn bán trái phép các sinh vật ngoại lai:
Căn cứ vào Điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 được sử đổi, bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 thì đối với hành vi nhập các sinh vật ngoại lai sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, còn đối với pháp nhân thương mại thì có thể bị xử phạt tiền gấp đôi.
Trong trường hợp nhập khẩu, phát tán các sinh vật ngoại lai ra ngoài môi trường tự nhiên gây nguy hại cho môi trường tự nhiên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự. Căn cứ theo quy định này thì mức phạt dành cho tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại như sau:
Đối với cá nhân thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu phạm tội thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị áp dụng hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hay cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Để đảm bảo cho mọi người hiểu rõ hơn về sinh vật ngoại lai cũng như việc buôn bán trái sinh vật ngoại lai thì cần phải tuyên truyền và thực thi quy định pháp luật về sinh vật ngoại lai là quan trọng để đảm bảo sự an toàn và bền vững cho môi trường. Bằng cách tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường tuyên truyền, chúng ta có thể đạt được sự cân bằng giữa sự phát triển khoa học và bảo vệ môi trường.
Chi tiết phóng sự xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=30bMEN4laCw