NGƯỜI BỊ XỬ ÁN TREO CÓ ĐI LÀM ĐƯỢC KHÔNG?

Án treo

Theo quy định của pháp luật hình sự, ngoài những chế tài, hình phạt nhằm răn đe, nghiêm minh xử lý những người phạm tội thì bên cạnh đó còn có chính sách khoan hồng (án treo), đây chính là chính sách mà thể hiện sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước, dành cho những người phạm tội biết ăn năn hối lỗi, tạo điều kiện cho họ có thể nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng sau những lỗi lầm của bản thân, sửa sai và bù đắp những lỗi lầm đã gây ra. Một trong số các biểu hiện của chính sách khoan hồng, đó là cho người phạm tội được hưởng án treo. Như vậy, câu hỏi đặt ra đối với mọi người chính là: “Người bị xử án treo có được đi làm không?”, bài viết dưới đây của BNSG Law sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào thắc mắc.

1. Án treo là gì?

Căn cứ theo quy định tại điều 1 của Nghị quyết 02/2018 NQ-HĐTP có quy định như sau:

 “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”

Theo quy định tại điều 65 Bộ Luật hình sự 2015 cũng quy định về án treo như sau:

“Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”

Án treo
BNSG LAW Chi tiết liên hệ: 0983.305.306

Xem thêm: Mua bán đất bằng giấy viết tay.

2. Điều kiện được hưởng án treo?

Căn cứ theo điều 65 BLHS 2015 và điều 2 của Nghị quyết 02/2018 NQ-HĐTP, thì người phạm tội được xem xét hưởng án treo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Bị xử phạt tù không quá 03 năm;

+ Nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, làm việc; 

+ Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Nếu có tình tiết tăng nặng thì phải ít hơn tình tiết giảm nhẹ;

+ Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. được xác định theo Luật Cư trú;

+ Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, trường hợp đã bị kết án nhưng không có án tích, được xóa án tích, người bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian chưa xử phạt, xử lý tính đến ngày phạm tội là quá 6 tháng; hoặc nếu người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án thì nếu đủ các điều kiện cũng có thể được hưởng án treo

Điều kiện hưởng án treo theo quy định pháp luật hiện hành
BNSG LAW Chi tiết liên hệ: 0983305306

3. Người bị xử phạt án treo có được đi làm không?

Căn cứ theo quy định của điều 88 Luật thi hành án hình sự 2019 có quy định như sau:

+ Đối với người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chứng quốc phòng, công an, người lao động thì vẫn được đi làm bình thưởng nếu được cơ quan, tổ chức đó chấp nhận và bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát vẫn được hưởng tiền lương và các chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm

 + Đối với người được hưởng án treo không thuộc đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chứng quốc phòng, công an và không thuộc đối tượng là người lao động tại các cơ quan, tổ chức thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú phải tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho họ

Bên cạnh đó, theo căn cứ tại khoản 4 điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định thì trường hợp người lao động bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì không thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, do đó, nếu người lao động bị xử phạt án treo thì người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động, điều đó đồng nghĩa với việc người lao động đó vẫn được đi làm bình thường.

Tóm lại, nếu người phạm tội được áp dụng biện pháp án treo theo quy định của pháp luật và Tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015, thì về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình nhưng không được đi khỏi nơi cư trú, đi công tác nơi khác và phải bị giám sát bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tin có liên quan: Một số vấn đề dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

We are here to help you. Give us a call