Vấn nạn Tảo hôn là chủ đề chưa bao giờ cũ!!!

Vấn đề tảo hôn hiện nay

Hiện nay, tình trạng tảo hôn, được hiểu là nam và nữ kết hôn trước tuổi ở nước ta vẫn diễn ra thường xuyên và ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, miền núi, đây là những nơi mà trình độ dân trí cũng như cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng tảo hôn diễn ra đã thể hiện sự lỗi thời và kìm hãm đến sự phát triển của kinh tế cũng như xã hội của đất nước. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về tảo hôn, nguyên nhân, hậu quả và pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này?

1. Tảo hôn và tình trạng tảo hôn hiện nay.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn.

Cho đến nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra và đang tiếp diễn ở nhiều vùng miền Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Theo kết quả khảo sát năm 2019, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số là 21,9%. Tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỉ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông (51,5%), Cờ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%).

Tảo hôn và quy định của pháp luật về Tảo hôn
BNSG Law
Chi tiết liên hệ: 0983305306

2. Nguyên nhân và hậu quả của tình trạng tảo hôn.

  • Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn.

Chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố mang tính đan xen nhau như chuẩn mực về giới, tình trạng nghèo, không được tiếp cận các dịch vụ và cơ hội tương lai hạn chế. 

Thứ nhất, mặc dù nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều và đạt được những thành tựu đáng kể so với trước kia, nhưng trẻ em gái thuộc những thành phần không có nhiều quyền kiểm soát các nguồn lực trong gia đình như thu nhập, đất đai hoặc là những người không có tiếng nói trong gia đình. Do đó, kết hôn được xem là biện pháp đảm bảo sinh kế và tương lai cho trẻ em gái. Sau khi kết hôn, người ta thường nghĩ trẻ em gái sẽ tham gia hỗ trợ việc nhà cùng các hoạt động kinh tế cho gia đình nhà chồng.

Thứ hai, nhiều trẻ em ở Việt Nam vẫn không được đến trường và đây là nguyên nhân và hệ quả của kết hôn trẻ em và hạn chế các lựa chọn hướng đi cuộc đời của trẻ. Bởi vì không được đến trường, các em ít có cơ hội để phát triển và tạo dựng tương lai cho bản thân, buộc các em phải kết hôn sớm. 

Thứ ba, rõ ràng mặc dù công nghệ kỹ thuật số tạo ra nhiều cơ hội cho giới trẻ như tăng khả năng tiếp cận tri thức – bao gồm các kiến thức về sức khỏe tình dục và sinh sản và mạng lưới quan hệ, tuy nhiên, việc không tiếp cận được các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản và các biện pháp tránh thai rõ ràng góp phần gây ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn của các bé gái. 

  • Hậu quả của việc tảo hôn

Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con.

Pháp luật quy định về tảo hôn
BNSG Law Chi tiết liên hệ: 0983305306

Xem thêm: Bạo lực gia đình có phải là vấn đề đáng báo động

3. Pháp luật quy định như thế nào về tảo hôn?

Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm. 

Điều 6 Luật trẻ em 2016 cũng có quy định về hành vi ép buộc trẻ em tảo hôn là hành vi bị nghiêm cấm.

Về xử phạt hành chính, Điều 58 nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn, cụ thể: 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.”

Theo Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì mức xử phạt hành chính đối với cá nhân có.hành vi lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;

b) Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.”

Hình thức xử phạt bổ sung: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Về hình sự, người tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn theo quy định tại Điều 183 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

Liên quan: Vấn nạn Tảo hôn: Càng chống càng tăng

Năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt một Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng kết hôn trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số (2015-2025) – Quyết định số 498/QĐ-TTg. Tuy nhiên, mức đầu tư thực tế cho các chương trình xóa bỏ tập tục này còn hạn chế. Các biện pháp can thiệp trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Mặc dù vậy nhưng các quy định này lại không phát huy tác dụng. Tình trạng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó hay “bác sĩ bảo cưới” vẫn còn tiếp diễn phổ biến. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải giải quyết được các nguyên nhân sâu xa bao gồm bất bình đẳng giới, nghèo đói và bất bình đẳng. Chính vì vậy, cần có những biện pháp để giảm thiểu nạn tảo hôn ở nước ta, đó là cần thực thi các chính sách để xoá đói giảm nghèo, giáo dục nâng cao dân trí ở các vùng khó khăn từ đó giúp nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thuộc các bản xa xôi hẻo lánh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

We are here to help you. Give us a call